Lượt xem: 612

Sóc Trăng mở rộng mã vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu

Nông sản của Sóc Trăng trong những năm qua, không chỉ được tiêu thụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Một trong những điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu nông sản là phải xây dựng được vùng trồng, đạt tiêu chuẩn cấp mã số. Do đó, để trái cây của tỉnh nhà xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, trong những năm qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển vùng trồng cây ăn trái, hướng đến các thị trường xuất khẩu “khó tính”. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã có 94 mã số vùng trồng được ngành chuyên môn cấp, góp phần đưa nông sản của tỉnh xuất khẩu thuận lợi.

 


Sản phẩm sầu riêng đã được cấp 3 mã số để xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, ngoài diện tích lúa gieo trồng khoảng 350.000 ha/năm, thì tỉnh còn có diện tích trồng cây ăn trái gần 30.000 ha, với nhiều loại trái cây đặc sản như: Vú sữa, bưởi, nhãn, xoài, sầu riêng... Bởi có lợi thế về sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã bắt tay vào xây dựng vùng trồng cây ăn trái để phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng trồng; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; xây dựng mô hình trình diễn, nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn và đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác.

    Thông qua các hoạt động trên, tỉnh đã phát triển được diện tích sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 434 ha và sản xuất theo hướng hữu cơ là 6.283 ha. Cùng với đó, số lượng hợp tác xã tăng lên từng năm và chất lượng cũng tăng lên, với 44 hợp tác xã sản xuất cây ăn trái các loại. Về xây dựng mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ thị trường xuất khẩu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã được ngành chuyên môn cấp 94 mã số vùng trồng trên cây ăn trái, diện tích hơn 580 ha trên các loại cây như: Vú sữa (25 mã số); nhãn (17  mã số); xoài (32 mã số), bưởi (17 mã số), sầu riêng (3 mã số). Hiện tại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang gửi hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp 4 mã số vùng trồng dừa, diện tích hơn 182 ha trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, thông tin: “Việc xây dựng mã số vùng trồng từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, bao trái đảm bảo quy định về kiểm dịch thực vật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ với sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp. Từ đó, tỉnh đã kết nối được 8 công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã sản xuất cây ăn trái, nên sản lượng các sản phẩm cây ăn trái có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp luôn giữ ổn định hàng năm. Theo đó, trong các năm qua, sản lượng sản phẩm trái cây vú sữa, bưởi, sầu riêng, xoài, nhãn đã liên kết công ty, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 6.000 tấn sản phẩm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc được hơn 751 tấn trái cây; sản lượng còn lại được tiêu thụ ở các siêu thị trong nước”.

    Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra các vùng trồng đã được cấp mã số. Xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất. Quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây ăn trái, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của từng vùng, bảo đảm tính ổn định, bền vững, lâu dài. Xử lý trái cây rải vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thường xuyên, liên tục của thị trường xuất khẩu và bảo đảm cung ứng số lượng ổn định cho các siêu thị.


Hơn 182 ha dừa, tại huyện Cù Lao Dung đang đợi được cấp mã số vùng trồng, nhằm chuẩn bị cho xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Xây dựng thêm nhiều mã vùng trồng và có cơ chế quản lý, sử dụng mã vùng trồng theo quy định. Hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho các loại trái cây có thế mạnh của tỉnh, như: Bưởi, xoài, nhãn, vú sữa, sầu riêng...  Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh nói chung. Phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái có chất lượng cao để phục vụ sản xuất. Nghiên cứu lai tạo hoặc nhập khẩu các giống mới chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh để tiếp tục phát triển diện tích trồng và chủng loại cây ăn trái. Thực hiện tốt việc tổ chức hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân ứng dụng các kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng các loại trái cây. Áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, sạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về sản phẩm trái cây xuất khẩu cho các hợp tác xã về kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch…

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 7201
  • Trong tuần: 77,908
  • Tất cả: 11,801,228